Một bài viết khá hay ở vietnamworks, mình là freelancer nên chắc cũng nên học hỏi phần nào.
Đã bao giờ bạn có câu hỏi: “Mọi người sẽ nói gì về bạn khi họ nhận xét bạn?” Hãy nghĩ xem mọi người sẽ đánh giá và nói gì về bạn. Những gì hầu hết đồng nghiệp đánh giá về bạn phản ánh thương hiệu cá nhân của bạn nơi công sở.
Bạn luôn thể hiện thái độ nghiêm túc cho công việc? Đi làm đúng giờ? Hoàn thành công việc đúng thời hạn, kết quả tốt, vẻ ngoài chuyên nghiệp? Ngoài những yếu tố này, thái độ, vẻ ngoài và kỹ năng giao tiếp của bạn cũng là những yếu tố quan trọng để mọi người đánh giá bạn
Sau đây là những cách giúp bạn xây dựng một hình ảnh chuyên nghiệp cho bản thân:
Có chính kiến và đời sống riêng tư
Hãy cố gắng có một đời sống riêng tư ngoài công việc, như một ngày thứ 7 điên loạn của bản thân, thời gian cho gia đình, một khoản đầu tư nào đó. Tránh những cuộc tranh luận về tôn giáo, chính trị hoặc đạo đức. Khi người nào đó cố gắng tranh luận với bạn về các vấn đề này, hãy lịch sự đề nghị đổi chủ đề, trả lời rằng những vấn đề này không thích hợp tranh luận nơi công sở. Bạn cũng nên cài đặt riêng tư trên những trang xã hội của mình, tránh những hình ảnh và thảo luận đời sống riêng tư của bạn ảnh hưởng đến hình ảnh chuyên nghiệp của bạn.
“Chọn người để chơi”
Hãy suy nghĩ kỹ và chọn người để kết bạn nơi công sở, cố gắng gắng kết với những người có thể giúp ích cho công việc của bạn, dành thời gian để tham gia các hoạt động tại công ty hoặc tham gia những buổi party của đồng nghiệp. Điều này sẽ giúp bạn có một vòng kết nối các mối quan hệ tốt hơn cho công việc của bạn.
Luôn nói chuyện tích cực và trả lời xây dựng
Khi nói chuyện với đồng nghiệp, cộng sự và quản lý, hãy thể hiện thái độ tích cực thay vì chỉ nói về những tình huống tồi tệ của vấn đề. Luôn nói về những bước cần thiết để đạt được mục tiêu thay vì cứ bàn mãi về những vấn đề có thể xảy ra cho kế hoạch của bạn hay kế hoạch chung. Khi một đồng nghiệp của bạn đạt được một kết quả tốt, hãy chúc mừng họ. Khi họ đạt kết quả không mong muốn, hãy thể hiện sự chia sẻ và động viên họ, nhắc lại những gì họ đã đạt được trước kia để tạo động lực cho họ. Điều này giúp bạn tạo tình cảm và kết nối tốt với đồng nghiệp của mình.
Hãy làm cho công việc và vị trí của bạn trở nên quan trọng
Cách nhanh nhất để mọi người chú ý đến bạn là hãy hoàn thành công việc của mình một cách xuất sắc. Hãy để công việc của bạn tạo cho bạn một thương hiệu nơi công sở. Nếu muốn sếp chú ý đến mình, đừng ngần ngại thể hiện cho sếp thấy đóng góp và nỗ lực của bạn đằng sau mỗi dự án. Nhưng hãy nhớ đề cập đến thành công của cả team trước rồi hãy đề cập đến đóng góp của mình nhé.
Hãy kính trọng mọi người
Kính trọng mọi người tại nơi làm việc bằng cách đánh giá cao công việc của họ, thể hiện sự quan tâm đến công việc và công ty của họ khi bạn nói chuyện với họ. Mọi người luôn mong muốn được tôn trọng, nếu bạn thể hiện thái độ kính trọng thì bạn sẽ nhận được thái độ tương tự với mình.
Luôn là người giải quyết vấn đề và sẵn sàng giúp đỡ người khác
Thay vì luôn phàn nàn và chỉ ra những điều không hay của công việc, hãy trở thành một người giải quyết vấn đề chuyên nghiệp. Luôn thể hiện thái độ mong muốn giải quyết vấn đề và đưa ra giải pháp, hơn là chỉ đưa ra những khía cạnh không tốt của công việc. Bạn có thể giúp đỡ mọi người bằng những việc nhỏ nhất, như trả lời điện thoại và để lại lời nhắn giúp khi họ không có mặt lúc đó, giúp sửa máy tính hoặc hướng dẫn một số mẹo làm việc…
Hứa ít đi và thể hiện nhiều hơn
Đừng luôn luôn đồng ý một cách thụ động với mọi deadlines mà mọi người đặt ra cho bạn, cũng đừng cố gắng chứng tỏ bản thân bằng cách hoàn thành công việc của bạn với một deadlines “không tưởng”. Thay vì hứa những việc bạn không chắc chắn, hãy giải thích và nêu rõ cho người khác thấy những nỗ lực của bạn để hoàn thành công việc trước thời hạn. Hãy đưa ra những lời hứa hợp lý cho cả bản thân bạn và công việc chung. Đừng ép mình phải tốn thời gian để giải quyết vấn đề tại công sở khi trời đã tối muộn.
Sẵn sàng PR cho bản thân
Luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mình một phần giới thiệu ngắn về bản thân, những công việc bạn đang phụ trách, những dự án bạn đã thành công và mục tiêu tương lai của bạn. Có thể bạn sẽ bất ngờ nhận được câu hỏi từ sếp hoặc bất cứ ai, có thể họ có những dự án tiềm năng dành cho bạn, nên hãy chuẩn bị sẵn sàng và chuyên nghiệp để PR cho bản thân mình, bạn sẽ nhận lại những cơ hội thật sự cho chính mình.