Vạch ra các giới hạn, không dễ quên hay luôn đi trước một bước là những cách người thành công dùng để đối phó với đồng nghiệp khó ưa.
1. Vạch ra các giới hạn (Đặc biệt là với những người hay phàn nàn)
Không ai muốn dính líu tới người hay phàn nàn và có suy nghĩ tiêu cực vì kiểu người này luôn vùi mình trong các vấn đề của bản thân và không tìm được lối thoát. Họ muốn lôi kéo người xung quanh vào cuộc để cảm thấy khá hơn.
Hầu hết mọi người đều cảm thấy áp lực khi nghe than phiền, nhưng lại không muốn bị coi là thô lỗ và nhẫn tâm. Tuy nhiên, giữa việc lắng nghe, thấu hiểu và khả năng bị cuốn vào vòng xoáy tâm lý tiêu cực chỉ là một ranh giới mỏng manh.
Cách duy nhất để bạn có thể tránh khỏi cái “bẫy” này là đặt ra những giới hạn và giữ khoảng cách khi cần thiết, hỏi cách giải quyết vấn đề.
2. Không chiến đấu kiểu một sống một còn
Người thành đạt hiểu rõ tầm quan trọng của việc phải tiếp tục sống để chiến đấu, đặc biệt là khi đối thủ của họ là những kẻ khó ưa. Trong quá trình xung đột, nếu không kiểm soát được cảm xúc, bạn sẽ rất dễ trở nên ngoan cố và lao mình vào một cuộc chiến có thể khiến bản thân bị tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, một khi đọc được cảm xúc của mình, bạn sẽ biết cách để hành động thật khôn ngoan và chỉ tấn công đúng thời điểm.
3. Luôn đi trước một bước
Những kẻ khó ưa thường khiến bạn phát điên vì cách xử sự vô lý của họ. Nhưng bạn không được phép sai lầm. Họ càng vô lý, thì bạn càng dễ dàng tránh khỏi những cái bẫy. Hãy từ bỏ việc đấu đá trong cuộc chơi họ tạo ra, đồng thời luôn giữ khoảng cách và tránh phản ứng một cách cảm tính.
4. Luôn ý thức được cảm xúc của mình
Để duy trì khoảng cách về mặt cảm xúc, bạn cần phải tỉnh táo. Bạn không thể ngăn người khác khiêu khích mình nếu như không biết khi nào họ sẽ “ra tay”.
Đôi khi, bạn sẽ rơi vào tình huống đòi hỏi phải bình tâm lại, sau đó, chọn ra phương án tốt nhất để đi tiếp. Chẳng việc gì phải sợ khi kéo dài chút thời gian cho mình.
Giả dụ, khi bạn đang đi trên phố, một người thần kinh không ổn định tiến đến gần bạn, và nói anh ta là John F. Kennedy, chắc chắn bạn sẽ chẳng buồn “vạch trần” hắn.
Nếu một đồng nghiệp có những tư tưởng giống người đàn ông trên phố kia, thì cách tốt nhất là mỉm cười và gật đầu cho qua. Còn nếu muốn vạch trần anh ta, thì hãy cho mình chút thời gian để tìm ra phương án tối ưu.
5. Thiết lập các ranh giới
Một khi biết cách tránh khỏi “cái bẫy” như đề cập ở mục 3, bạn sẽ nhận ra rằng hành vi của những kẻ khó ưa rất dễ hiểu và hoàn toàn có thể dự đoán trước. Điều này sẽ cho phép bạn suy nghĩ một cách hợp lý xem ở đâu và khi nào mình sẽ phải “chịu đựng” họ và khi nào không.
Chẳng hạn, bạn đang làm chung dự án với một kẻ khó ưa, không đồng nghĩa với việc bạn phải giao tiếp, tương tác với hắn nhiều như với những thành viên còn lại trong nhóm.
Nếu cứ để mọi thứ xảy ra tự nhiên, bạn sẽ bị trói buộc trong những cuộc trò chuyện “khó chịu”. Bạn có thể vạch ra các ranh giới cho mình, nhưng hãy làm điều này một cách tỉnh táo và chủ động. Một khi làm được điều này, bạn sẽ kiểm soát cuộc đối thoại tốt hơn. Bí kíp duy nhất là lúc nào cũng “lăm le khẩu súng” bên mình để bảo vệ ranh giới nếu kẻ khó ưa nào đó có ý “vượt biên”.
6. Không cho phép bất cứ ai làm mình cụt hứng
Niềm vui cũng như sự thỏa mãn của bạn chỉ bị ảnh hưởng bởi quan điểm và phán xét của người khác khi bạn không thể làm chủ bản thân cũng như niềm vui của mình. Những người nhạy bén về mặt cảm xúc sẽ không để bất cứ ai làm mình cụt hứng.
Tuy bạn luôn phản ứng trước quan điểm, thái độ mà người khác dành cho mình, nhưng cũng đâu nhất thiết phải so sánh mình với người khác. Bạn hoàn toàn có thể chấp nhận những luồng ý kiến đó với một chút hoài nghi.
Bằng cách này, dù người ta có nghĩ hay làm gì cũng không thể ảnh hưởng tới bạn. Bất chấp người ta nghĩ gì đi chăng nữa, chỉ có duy nhất một điều chắc chắn: Bạn không tốt cũng chẳng xấu như họ nói.
7. Tập trung vào giải pháp chứ không phải vấn đề
Suy nghĩ quá nhiều về vấn đề mình đang đối mặt chỉ khiến bạn thêm căng thẳng. Thay vào đó, hãy tập trung tìm ra hướng hành động để cải thiện tình hình và làm bản thân tốt hơn. Bằng cách này, bạn sẽ có được những cảm xúc tích cực, đồng thời áp lực cũng được giải tỏa.
Nói đến những kẻ khó ưa, việc bạn mải mê với suy nghĩ rằng họ thật điên rồ và khó chịu chỉ khiến họ càng “lộng hành” hơn mà thôi. Bởi vậy, thay vì nghĩ đến độ phiền phức mà họ gây ra, hãy tập trung sự chú ý của bạn vào việc nghĩ cách “xử lý, đối phó” họ thì hơn. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát mình tốt hơn, do đó giải tỏa căng thẳng khi phải tương tác với những kẻ khó ưa đó.
8. Không dễ quên
Những người nhạy bén về cảm xúc thường dễ tha thứ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ sẽ quên. Tha thứ là khi người ta cho qua hoặc thôi nghĩ đến những việc đã xảy ra để có thể bước tiếp. Như thế không có nghĩa là bạn sẽ cho “kẻ xấu” một cơ hội để “tấn công” bạn lần nữa.
Người thành đạt không bao giờ chấp nhận bị vùi dập vì sai lầm của người khác. Cho nên, họ sẽ nhanh chóng cho qua, để tập trung bảo vệ mình khỏi những mối nguy hiểm trong tương lai.
9. Không có những màn độc thoại tiêu cực
Chẳng có gì sai khi bản thân cảm thấy tệ trước cách mà người khác đối xử với mình. Tuy nhiên, những suy nghĩ tiêu cực sẽ chỉ làm tình hình thêm tồi tệ.
Kiểu độc thoại tiêu cực vốn không thực tế, vô bổ, khiến bạn “hạ gục” chính mình. Nó sẽ đẩy bạn xuống vực thẳm của những suy nghĩ tiêu cực, khó có thể ngoi lên. Bởi vậy, người thành đạt luôn tránh những màn độc thoại tiêu cực bằng mọi giá.
10. Hạn chế sử dụng caffeine
Uống caffeine sẽ kích thích cơ thể tiết ra hooc môn adrenaline. Adrenaline gây ra phản ứng “đánh hoặc chạy”, một cơ chế sinh tồn buộc bạn phải đứng dậy và chiến đấu hoặc chạy đi khi đối mặt với mối đe dọa.
Cơ chế hỗ trợ phản ứng nhanh này cũng phần nào hạn chế việc tư duy lý trí. Bởi vậy, nó chỉ hữu ích khi bạn bị chó đuổi, chứ không có tác dụng trong trường hợp phải “đối phó” với một người đồng nghiệp đang “lên cơn”.
11. Ngủ đủ giấc
Khi ngủ, bộ não được nạp năng lượng, nhờ đó bạn có thể thức dậy một cách tỉnh táo vào sáng hôm sau. Khả năng tự kiểm soát, tập trung và trí nhớ sẽ giảm sút nếu bạn không ngủ đủ giấc.
Việc thiếu ngủ làm tăng lượng hooc môn gây stress, ngay cả khi không có bất cứ tác nhân gây stress nào. Một giấc ngủ ngon vào ban đêm sẽ khiến bạn suy nghĩ tích cực, chủ động và sáng tạo khi phải đối mặt với những kẻ khó ưa.
12. Sử dụng “quyền trợ giúp”
Nỗ lực một mình đương đầu mọi thứ nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng lại không hề hiệu quả. Để đối phó với những kẻ khó ưa, bạn cần phải nhận ra điểm yếu trong cách tiếp cận họ của mình. Đó là lý do bạn cần đến một nhóm trợ giúp.
Những người bạn thân, dù ở nơi làm việc hay không, sẽ luôn sẵn sàng giúp bạn một tay. Hãy tìm cho mình những người bạn như thế trong cuộc đời, và trưng cầu ý kiến cũng như sự trợ giúp từ họ khi cần. Trong hầu hết trường hợp, người ngoài cuộc thường tìm ra giải pháp tối ưu hơn vì họ không bị cảm xúc lấn át như bạn.