Tôi là Duyệt

Phá giá Website, vấn đề muôn thuở

Như các bạn cũng biết, thị trường Website Việt Nam hiện nay trở nên màu mỡ cho các lập trình viên. Qua đó, việc xuất hiện của các công ty, cá nhân sử dụng quá nhiều tiêu đề “giá rẻ” trong chính cả Slogan và thương hiệu của mình. Khiến cho thị trường Website trở nên khó khăn vì người lập trình viên giỏi thì mất quá nhiều công sức và thời gian để tích lũy kinh nghiệm phải bị ép một cái giá “không thể tin nổi” và có thể chỉ chênh lệch chút đỉnh so với người mới vào nghề vì cái giá rẻ đến mức không thể nào nâng hơn được vì nếu nâng thì “một xu dính túi” cũng không có.

Nguyên nhân do ở đâu?

  1. Lập trình viên được đào tạo tràn lan nhưng vấn đề chuyên môn vẫn là dấu chấm hỏi với doanh nghiệp và khách hàng.
  2. Chính sách hướng nghiệp ở Việt Nam không tốt, chủ yếu chú trọng quá nhiều vào kết quả của ngành là “tiền” vì lập trình viên thường rất nhiều tiền nhưng sẽ đánh đổi bằng “chất xám” và thời gian của mình vì vòng đời lập trình viên rất ngắn.
  3. Tâm lý định giá sản phẩm quá rụt rè, nhiều khi thấy ông chủ “dữ dằn” quá là sợ.
  4. Do Website được gán mác “giá rẻ” tràn lan thì việc định giá trở nên khó khăn vì người mua không cần biết là lập trình viên viết thế nào? Chỉ cần đúng mục đích của họ và thậm chí là chỉ cần chạy được.
  5. “Tiền nào của đó” vẫn là câu mà ông bà ta thường xài và nó vẫn đúng trong trường hợp này. “Ngon bổ rẻ” chỉ có trong mơ mà thôi…vì lập trình viên không thể sống bằng “không khí”. Kéo theo đó là chất lượng và tâm lý đa số khách hàng “e dè” nếu hét giá quá mắc so với thị trường.

Làm thế nào để cải thiện tình hình?

  • Hãy ra một cái giá hợp lý với công sức mà các bạn bỏ ra, đừng ngần ngại khi hét cái giá mà bạn nghĩ rằng nó quá mắc, bởi vì cũng do chính tâm lý đó mà bạn vô tình “down” giá chính “đứa con tinh thần” của mình.
  • Hãy làm một sản phẩm thật chất lượng, hãy cho khách hàng thấy những sản phẩm Demo hoành tráng. Vì họ cần xem bạn làm được gì trước khi thuê bạn, và nếu họ cảm thấy rằng thuê bạn an tâm thì việc giá bạn có mắc hơn thị trường cũng chẳng sao.
  • Nếu như bạn có khách hàng “ruột”, đôi khi giảm giá cho họ chút đỉnh nếu như họ muốn các bạn viết nhiều, như thế có thể gây thiện cảm và hơn hết chất lượng phải đi kèm với điều đó. Như vậy sẽ giúp họ có tâm lý thoải mái hơn khi làm việc với bạn, việc thuê bạn dài dài trong tương lai là chắc chắn vì ai cũng có tâm lý ngại thuê người khác.
  • Không ngừng trau dồi kỹ năng và công nghệ để viết lên những sản phẩm Demo “hoành tá tràng” để gây ấn tượng với khách hàng. Nếu như bạn có những kỹ năng ở đâu cũng có và Website của bạn không có gì đặc biệt thì việc họ thuê ở công ty lớn là chuyện đương nhiên. Vì chẳng ai bỏ tiền ra để mà “mạo hiểm” dùm cho bạn cả.
  • Nói không với mác “giá rẻ” vì như vậy sau này bạn sẽ khó có thể phát triển thương hiệu lớn lên được. Vì tâm lý “giá rẻ” của thương hiệu đã ngấm vào máu của những người từng sử dụng dịch vụ của bạn.
  • Vấn đề cuối dành cho các bạn sinh viên, đừng ngại ngùng khi thử sức mình. Và đừng “dại dột” nếu nói khách hàng rằng “mình mới ra trường” vì như vậy bạn chẳng thể nào mà thương lượng cả, khi buôn bán hãy để chúng ta là người “Bán dịch vụ” ngang hàng với khách hàng.

Bớt chém gió và báo giá làm loạn thị trường

Rất có thể nhiều bạn sẽ thấy lạ, nhưng sự thật vẫn có những người báo giá “vùi dập” nhau nhưng họ lại không nhận dự án đó khiến khách hàng cũng phân vân theo “liệu giá đó có ổn không?“. Nên nhớ, khách hàng luôn là người quyết định và tâm lý khách hàng rất quan trọng. Đôi khi cũng có người “ngoại đạo” vào phá. Vì vậy, hãy chuẩn bị tinh thần để đối chất và đưa ra những bằng chứng cho khách hàng (Sản phẩm Demo) thấy và đừng chỉ nên nói bằng lời.

Những ai đã và đang như vậy thì nên bỏ ngay tính “GATO” của đại đa số người Việt Nam mắc phải. Một người, hai người, ba người… rồi cũng khiến thị trường khá lên. Bỏ ngay cả suy nghĩ “đơn thân độc mã” như vậy thì như “lấy muối bỏ bể”. Nếu như ai cũng nghĩ như vậy thì Việt Nam cũng sẽ nằm ở vùng trũng của thế giới. Đó là vì sao mà chính người Việt là rất ghét làm với người Việt thay vì nước ngoài.

Lời kết

Hãy vững tin với những gì bạn bỏ ra, đừng hạ thấp bản thân mình. Bạn không giúp bạn thì chẳng ai giúp bạn cả, nên nhớ thị trường là phải dìm nhau đến mức ra một cái giá rẻ bèo. Chẳng ai muốn bỏ ra một số tiền lớn cho một sản phẩm mà mình không biết được chất lượng của nó cả. Vậy nên, tạo cho mình thương hiệu cá nhân cũng rất quan trọng khi xin việc hay nhận dự án các bạn nhé.

Đây là bài viết mà mình đọc được ở Blog ThienAn