Tôi là Duyệt

Bear boy

Vô tình thấy hình này trên pbfcomics.com. Bàn 1 xíu.

Dạo, tôi có trò chuyện với vài người bạn. Họ bảo rằng, học (ở UIT) đến giờ thực sự vẫn chưa biết mình thực sự muốn mình học cái gì và ra trường làm cái quái gì. Mặc dù một số bạn còn học rất giỏi.

Học gì

Học, có nhiều lý do để học. Câu trả lời được nhắc đến cả tỉ lần khi được hỏi câu ‘học để làm gì?’ là học để có kiến thức, học để có tiền, bla bla … Câu trả lời này hoàn toàn chính xác, nhưng liệu mấy ai có thể mô tả được cụ thể bạn sẽ làm những gì, công việc gì mà mong muốn gì để kiếm được tiền không.

Tuyên ngôn giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO đã xác định: Learning to know. Learning to do. Learning to live together. Learning to be. Đó là một mục tiêu chính đáng và rộng lớn.

Học là vô cùng cần thiết, không học thì biết gì mà làm. Tôi thì không thiết tha với việc học ở Đại học. Thích ngành IT này, tôi biết nhiều thứ mà có thể trong số chúng sẽ không bao giờ được dạy ở lớp. Kiến thức có thể tìm thấy rất nhiều ở Internet. Lý do mà tôi học, là do … thích vậy thôi.

Nhưng thằng bé trên, nó bảo muốn thành con gấu. Lý do là nó thích vậy. Và không ai có thể ngăn cản nó, kể cả ông thầy =]].

Một điều tôi thấy nực cười ở ĐH nữa là điểm danh. Kiểu như ca sĩ diễn mà phải đi năn nỉ khán giả đến mua vé nghe mình gào thét vậy. Mình hát hay cớ sao phải đi năn nỉ ỉ ôi như vậy. Phải chăng có gì khác nhau giữa ca sĩ hát lô tô và ca sĩ hát mà cả triệu đồng một vé. Dù đã khán giả đã “muốn xem” thì không có gì có thể ngăn cản họ cả.

Đến lúc bạn nên tự hỏi, mình học tới giờ để làm gì?

Ở phương diện nào đó, giảng viên chỉ là người dẫn lối, người cung cấp “keyword” để mà về tự tra trên Google thôi.

Thích gì

Để trả lời được câu hỏi trên, bạn cần trả lời được, bạn thích gì? Giống như câu mình vẫn thường nói thích gì học nấy, search là ra cả.

Quay lại vài người bạn của tôi, đa số họ đều có điểm chung, là đều không biết mình thích gì.

Dừng lại ở đây, mọi người nên xem lại bản thân mình thích gì và muốn được cái gì trong tương lại. Có thích thì mới có động lực để mà tìm hiểu, chứ không phải học để qua môn. Chiều thi mà sáng tôi ngồi research cái thư viện tầm phào nào đó của Nodejs thì cũng là chuyện bình thường.

Thành công

Cậu bé “bear boy” có vẻ viễn vong, nhưng ít ra cậu còn biết mình muốn làm gì khi lớn lên. Và cậu hoàn toàn được xem là một người thành công, vì cậu đã làm được những gì như mình mong muốn.

Thành công mỗi người mỗi khác, có người mình muốn trở thành tỉ phú, trong khi có người chỉ cần qua môn đã là một thành công tột bậc rồi.

Dám

Biết mình muốn làm gì, muốn thành công thì chỉ cần dám. Dám nghĩ, dám làm.

Nói chung là bất chấp để biết, đề thành công.

Hồi cấp 2 có lần tôi bị đuổi ra khỏi lớp do ý kiến, hỏi dồn dập và cãi tay đôi với thầy dạy toán. Nếu ngày đó tôi dám bay lên cắn ông thầy tại chỗ như cậu bé thì rất có thể ngày hôm nay tôi đã là một người thành công.

Đấy, hãy dám đi nhé, đừng có sợ!