From: thái: Yêu nước
Yêu nước là mong muốn làm cho đất nước mình giàu mạnh hơn, cuộc sống người dân tốt đẹp hơn. Vậy, giả sử Việt Nam không có vấn đề gì về kinh tế chính trị, trình độ dân trí cao, an sinh xã hội tốt như Thụy Sĩ, Thụy Điển, hay Singapore chẳng hạn, liệu những người yêu nước có còn lý do yêu nước hay không?
Yêu nước là sự gắn kết, mối liên hệ vô hình với những người có cùng văn hóa, có cùng ngôn ngữ, có cùng màu da, có cùng nguồn gốc với mình. Vậy, mấy dân tộc “anh em” thiểu số ở Tây Nguyên hay Tây Bắc, mình có nên yêu thương họ không nhỉ, vì họ đâu có cùng văn hóa, ngôn ngữ, màu da hay nguồn gốc? Thậm chí giống nhau hết, nhưng người Hà Nội có thấy liên hệ, gắn kết với người Thanh Hóa không nhỉ?
Nước Mỹ hỗn chủng tạp, dân tứ xứ đổ về, da vàng, da đen, da trắng, mỗi thằng nói một thứ tiếng khác nhau, chọn chung tiếng Anh để giao tiếp hàng ngày, về nhà lại nói tiếng riêng. Theo logic ở trên, tôi không thể nào liên hệ được với một anh Ấn Độ và ngược lại. Như vậy là, ở Mỹ chắc không có ai yêu nước hết, tội nghiệp chưa?
Bạn tôi ở Mỹ có lần tâm sự sao mỗi lần đi chơi nghe tiếng người Việt anh ấy không thấy xúc động, không muốn tay bắt mặt mừng, mà chỉ im im, lảng đi chỗ khác, không muốn tiếp xúc. Tôi cũng thường như vậy. Vậy, tôi và bạn tôi không yêu nước, vì yêu nước là phải có sự liên hệ cảm xúc với những người Việt Nam khác?
Hay như giáo sư Châu kể đến sân bay ở Nhật gặp thanh niên nông thôn Việt Nam ngồi đánh bài, thách thức thế giới, giáo sư thấy thương họ lắm, nhưng không thấy giáo sư kể đoạn hai bên tay bắt mặt mừng, ôm hôn thấm thiết, tình trí dân nồng thắm. Có thể tình cảm chỉ để trong lòng thôi, khi nào đụng xe ngoài đường người ta mới thể hiện ra?
Yêu nước, cho nên, là cái thứ tình cảm người ta nói cho sang, nhưng kỳ thực rất mờ ảo. Không ai sờ mó, định nghĩa được yêu nước là gì. Cái gì mới có thật?
Thứ nhất, người lính ra trận, hỏi có yêu nước không, họ nói đó là cái thứ cuối cùng họ nghĩ đến, quan trọng nhất là phải tồn tại đã. Họ hi sinh thân mình, nếu không phải vì bị ép buộc, cũng không phải vì một thứ tình cảm mơ hồ, mà vì những điều rất cụ thể. Họ muốn bảo vệ quyền lợi chung, mà họ và con họ có phần trong đó. Cũng có những người lính xả thân vì muốn bảo vệ lẽ công bằng ở đời, bảo vệ những điều mà họ tin là đúng.
Thứ hai, người ta quan tâm đến quyền lợi của mình, muốn môi trường sống xung quanh mình tốt lên, để con cái, gia đình mình cũng được sống tốt hơn. Sức một người không làm được nhiều, nên người ta họp lại thành xóm, xóm thành làng, làng thành xã, xã thành huyện, huyện thành tỉnh, tỉnh thành nước. Nước Mỹ tồn tại không phải vì người dân yêu nước, mà vì họ cùng chia sẻ những giá trị chung được ghi trong hiến pháp. Họ bầu tổng thống, giao cho quyền lực cực lớn, nhưng tổng thống phải thề bảo vệ hiến pháp, vì họ tin hiến pháp giúp cho họ và con họ có cuộc sống tốt hơn.
Cuối cùng, ai cũng muốn làm việc tốt, có ảnh hưởng tích cực đến nhiều người. Những người giỏi giải quyết vấn đề, thích giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng. Người ta quan tâm Việt Nam vì Việt Nam có nhiều vấn đề lớn như vậy. Cả Việt Nam là một cơ hội lớn, cho những ai muốn cải tạo xã hội, muốn làm cho cuộc sống của hàng triệu người tốt lên. Nếu, chẳng may, Việt Nam hết vấn đề, trở thành Thụy Sĩ chẳng hạn, sẽ có rất nhiều người hụt hẫng vì không còn vấn đề để giải quyết.
Thay vì chỉ nghĩ đến Việt Nam, nên chăng nghĩ xem mình có thể đóng góp gì, có thể tạo ảnh hưởng tích cực gì đến thế giới mình đang và sẽ sống? Ở Việt Nam, giới trí thức thường có xu hướng bỏ chuyên môn chuyển sang bàn chuyện quốc gia đại sự. Bàn thôi, chứ không làm, vì làm đã do giai cấp công nhân đảm trách rồi, đụng vô ăn búa liềm! Nhưng bàn về cải cách xã hội, góp phần giúp Việt Nam phát triển, nâng cao đời sống người Việt Nam cũng chỉ là một lựa chọn, trong số rất nhiều lựa chọn khác mà thôi. Có nhiều người chọn dành cả đời để đóng góp, tạo ảnh hưởng trong khoa học, văn chương, nghệ thuật, thể dục thể thao, v.v. Họ đóng góp cho cái chung của nhân loại, thế là đủ. Có người chọn lo cho gia đình, con cái, cuộc sống đề huề, no nấm, cũng đủ rồi.
Khi gửi hộ chiếu cho công dân, bộ ngoại giao Mỹ có kèm theo một tờ rơi bên ngoài có dòng chữ “With your U.S. passport, the World is Yours!”, tạm dịch “Với hộ chiếu Mỹ, cả thế giới là của bạn!” Ngon chưa! Ngoài hàm ý đi đâu cũng không cần phải xin visa, tôi nghĩ câu này còn muốn nhắc dân Mỹ rằng vấn đề của thế giới là vấn đề của người Mỹ. Người Mỹ chơi ở cấp độ toàn cầu, chứ không chỉ gói gọn trong nước Mỹ. Nước Mỹ có nhiều vĩ nhân, có ảnh hưởng lớn đến cả thế giới, vì lẽ đó.
Muốn được như nước Mỹ, trước nhất mỗi người phải bước ra khỏi vỏ bộc của danh tính. Đừng yêu nước vì ta là người Việt Nam. Hãy yêu nước, không yêu cũng không sao, vì ta muốn có ảnh hưởng tích cực đến thế giới này.
Bởi vậy người ta mới nói, yêu nước là việc của những con cừu, không phải việc của những người tự do =).