Hôn nhân không phải vì hạnh phúc cá nhân của đối tượng cưới hỏi, mà là việc kết nạp thành viên mới cho gia tộc theo văn hoá Nho giáo cổ xưa còn rơi rớt lại một số nước Á châu, nên cô con dâu này vào nhà bị sốc văn hoá ngay. “Dạy con từ thuở con thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”…nhiều người tự cho mình một vị trí cao hơn để “dạy” trong khi chưa chắc nhận thức ai hơn ai.
Chồng đâu phải giáo viên, mẹ chồng cha chồng đâu phải giáo viên mà đòi dạy vợ dạy con dâu? Ngay cả cha mẹ ruột cũng vậy, đâu phải cứ lớn tuổi mở miệng nói là luôn luôn đúng, đâu phải con cái đứa nào cũng nhận thức luôn luôn sai. Thước đo sự trưởng thành không phải là tuổi tác, mà là nhận thức. Age’s just a number. Vả lại, mình đòi dạy nhưng quan trọng là đối tượng có muốn HỌC không? TƯ DUY ĐÚNG trong thời đại mới là CÁI GÌ ĐÚNG, CÁI GÌ SAI, (what’s right, what’s wrong) chứ không phải AI ĐÚNG, AI SAI (who’s right, who’s wrong) như xưa. Một đứa bé 15 tuổi nhưng vẫn có thể nói điều lẽ phải, còn ông lão 80 vẫn làm việc xằng bậy như thường, không nên “kính lão đắc thọ” mà nhập nhèm, không dám nói. Mình vẫn lễ phép, kính trọng người già cũng như tin tưởng, tôn trọng trẻ em, nhưng mọi thứ đúng sai phải phân biệt rõ. ĐÚNG SAI THEO LUẬT, THEO QUY ĐỊNH, THEO NGUYÊN TẮC ĐỒNG THUẬN chứ không phải theo cách hiểu cảm tính của từng cá nhân.
Nhiều người nói nó chỉ là trẻ con, em út, khoá học sau, hoặc là đàn bà, là dân quê, bằng cấp học hành ít nên không nể…thì rất là duy cảm duy tính, khó làm nên nghiệp lớn với tư duy cổ kính như vậy. Người văn minh là người dám nói “thầy nói sai rồi, mẹ làm sai rồi, sếp quyết định sai rồi, ông bà đã nhận thức sai rồi” trước mặt con trẻ, nhân viên, cháu chắt. Sai thì làm lại, nhận thức lại. Giá trị lúc đó không giảm mà còn tăng lên, nhưng vì sĩ diện, mấy người dám văn minh như vậy?
Tony buổi sáng - đọc thấy tâm đắc!