Tôi là Duyệt

Viện John von Neumann

Viện John von Neumann nằm trong khu CNPM - Đại học quốc gia TP.HCM. Ngày xưa từng có đi dự một hội thảo trong khu này, nghe anh khóa trên nói sau này có điều kiện nên vào học Thạc sĩ và PhD tại đây đi, đây là nơi hội tụ của biết bao nhiêu người tài. Lúc đó, thực sự mình không nghĩ gì nhiều.

Tham gia một cuộc thi, với kiến thức cá nhân không thuộc đúng chuyên ngành (nhưng đam mê), chỉ thi cho vui, nhưng rốt cuộc cũng vào đến chung kết. Được học bổng toàn phần, rồi lại cứ nghĩ mình sẽ không được học do chưa đủ tuổi, cuối cùng thầy viện trưởng vẫn quyết là cho bảo lưu.

Ấn tượng khi mới đến đây, là không gian bên ngoài tĩnh lặng. Trái ngược lại khi bước vào là một thế giới phải nói vô cùng “khoa học” và năng động. Tại JVN, mọi bức tường đều là bảng để viết (lúc đầu cứ nghĩ là phong cách trang trí như vậy). Con người ở đây rất chất, cực kỳ giỏi và thân thiện, từ thầy Viện trưởng đến cô lao công.

Một buổi sáng trò chuyện với thầy viện trưởng GS. Dương Nguyên Vũ. Một người cực kỳ uyên thâm, thân thiện và có tâm. Một buổi sáng thôi mà học được rất nhiều điều, về các câu chuyện của thầy, về cuộc sống, về quan niệm và tư tưởng. Thầy kể về 2 câu chuyện nguồn gốc của các bức tường. Và mỗi nội dung, hình vẽ trên đó là một câu chuyện riêng, chỉ cần chỉ ra, thầy viện trưởng có thể kể chi tiết bất kì câu chuyện nào trên tường trong phòng của thầy, tên của người vẽ, tên câu chuyện và ý nghĩa.

Chỉ ra 1 hình khá lạ trên tường và nghe câu chuyện được kể. Hình trên là bốn câu thơ của 1 Đại Lạc Ma truyền thừa đời thứ 7 từng ghé qua viện và để lại. Đại Lạc Ma là một người đam mê khoa học, người muốn tìm đến để nghiên cứu về các tương quan giữa con người và Phật giáo, dưới con mắt của nhà khoa học. Có một bản dịch được thầy ghi lại, tôi còn được nghe về Phương trình khảo sát, các hệ số, tính chất, … để giải thích chữ “Duyên” trong câu thơ thứ 2. “Duyên” không phải là đại lượng ngẫu nhiên, mà là có sắp đặt và có cả trọng số hẳn hoi. (Liên hệ bản thân thì thấy cực kỳ đúng).

Thầy còn là người chơi thể thao, 2 lần gặp là 2 lần thấy thầy trong bộ đồ thể thao. Mỗi sáng chạy 18-20km, chạy xem đạp 140km và còn bơi lội nữa (strava).

(Ảnh: JVN)

Mọi con người ở đây đều hết sức thân thiện và dễ mến. Hai ngày tại đây, tất cả đều nhớ và gọi mình bằng tên, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, một sự ấn tượng khó thấy được ở bất cứ đâu. Mọi người ở đây đều hết sức giỏi, nhiều tài lẻ, nhưng đơn giản đến nỗi khó ai có thể nhận ra họ giỏi đến nhường nào (nhất là với cái tính coi trời bằng vung của mình). Cô lao công còn dễ thương đến nỗi còn lén coi điểm cho mình, mặc dù chỉ còn 30 phút nữa là công bố kết quả, và mình không quan tâm đến kết quả là bao.

Về các thầy trong BGK, lại càng ngạc nhiên hơn nữa, đây lại không giống như một cuộc thi như bao cuộc thi khác, không khí không hề căng thẳng. Các thầy đặt ra câu hỏi, và kiên nhẫn giải thích lại khi thí sinh không hiểu, nếu thí sinh nói không chính xác, thì các thầy lại cố gắng giải thích cho hiểu - nhưng một cách nhẹ nhàng. Thầy viện trưởng luôn nói “không sao, vì đây là chuyện bình thường, chỉ là lần đầu”. Không phải là một câu so sánh, nhưng rõ ràng bản thân có thể thấy: “Tại UIT, các thầy cô lựa chỗ mà chém, tại đây, các người ta tìm chỗ mà khen”.

Nhưng rõ ràng cái quan trọng có thể thấy được sau buổi phản biện ấy tinh thần động viên, tinh thần thúc đẩy học tập, thí sinh sẽ hiểu được mình còn thiếu cái gì và trao dồi sau.

Thực sự ngộ ra rất nhiều, còn quá nhiều điều cần phải học, và thật sự là mình may mắn khi có những trải nghiệm tại đây. Còn rất nhiều điều muốn kể, về một nơi đặc biệt, với nhiều thứ đặc biệt. Một năm nữa chính thức trở thành thành viên JVN, hẹn 1 năm nữa nhé.


Update 2021-04-21: Đã nhiều năm đọc lại bài này, cảm xúc những ngày ấy vẫn còn y nguyên, JVN ngày đó vẫn thực sự rất amazing. Do nhiều biến cố, không thể học tiếp ở đây, cũng như không theo sự nghiệp làm nghiên cứu, các anh lớn ngày đó cũng không còn dạy ở đấy, đã và đang làm PhD, Leader ở các nơi rồi.